Web Content Display

CHÙM THƠ HAY VIẾT VỀ NGƯỜI LÍNH

Hôm nay vô tình đọc được chùm thơ rất hay và xúc động viết về hình ảnh người lính, cũng vào lúc chúng ta đang nô nức kỉ niệm 73 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Xin chọn và giới thiệu những vần thơ này như một lời tri ân đến những người đã nằm xuống, những người đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.


 

 

PHƯƠNG ẤY

(Hoàng Nhuận Cầm)

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

 

Là cái phương sao quá bồn chồn

Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói

Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói

Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

 

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi

Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

 

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ -  bình minh rơi tím đất

Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật

Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

 

Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi

Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới

Người con gái cõng mình qua đạn xối

Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.

 

Là cái phương chưa rõ cả mặt em

Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt

Là cái phương nấm mộ người giữ đất

Chớp bên đường như một ánh sao nâu.

 

Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau

Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt

Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp

Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!

 

Phương ấy còn ở mãi trong tôi

Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói

Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi

Trên hai vai tuổi trẻ -  trước chân trời.

 

(Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, NXB Hội Nhà văn, 2007)

 

 

BÀI THƠ TỔ QUỐC

(Lê Anh Phong)

Mỗi lần nhắc thiêng liêng Tổ Quốc

Lòng nghiêm trang ta ngưỡng vọng những lớn lao

Mỗi lần nhắc thân yêu Tổ Quốc

Khiêm tốn đến bao nhiêu, ta vẫn thấy tự hào.

 

Thảo thơm hai tiếng "đồng bào"

Thương nguồn cội "bọc hồng trăm trứng"

Huyền thoại nào cũng lung linh trong sáng

Cổ tích nào cũng nhân nghĩa bao dung.

 

Quấn quít trúc tre dừa nước tảo tần

Bao bọc nên tình làng nghĩa xóm

Đến giọng nói cũng giàu âm sắc

Mở môi chào… đã hóa ca dao.

 

Lịch sử thăng trầm, Tổ Quốc thương đau

Đất nước gian lao, nhân dân khó nhọc

Gian khó luyện bền gan góc

Thương đau nuôi dưỡng nhân từ.

 

Những Thạch Sanh cổ tích xa xưa

Đã sinh động giữa đời thường dân dã

Những Phù Đổng Sơn Tinh huyền sử

Hiện tinh anh trong hành trạng các anh hùng.

 

Tổ Quốc lưu truyền khí phách cha ông

Tổ Quốc vinh danh máu đào liệt sĩ

Tổ Quốc trở trăn qua mỗi ngày bình dị

Tổ Quốc khát khao trong tiếng trẻ học bài.

 

Lịch sử hào hùng gọi vinh hiển tương lai

Trải giông gió mở mùa sang hạnh phúc

Khó nhọc mỗi cuộc đời xây vinh quang Tổ Quốc

Buồn vui mỗi con người xây tâm thế non sông.

 

Sóng Hoàng Sa - Trường Sa vỗ bờ bãi sông Hồng

Hương hoa sứ chị Sáu cài thơm đêm dạ hội

Những sinh viên vùi đất đai Thành Cổ

Hồn nhiên bước vào trang luận án giảng đường.

Tổ Quốc từng có nhiều anh Trỗi hiên ngang

Sao còn hiếm những Ngô Bảo Châu xuất sắc?

Tổ Quốc nhiều thảo thơm cô Tấm

Sao thưa dần hào hiệp Lục Vân Tiên?!

 

Ta miên man cùng Tổ Quốc thiêng liêng

Để lo toan với từng ngày thân thuộc

Khó nhọc, tảo tần, vinh quang Tổ Quốc

Có cách làm nết nghĩ mỗi đời ta.

 

Và như thế

Trong vĩnh hằng Tổ Quốc

Hồn nhiên mỗi tâm hồn

Như cỏ?

Như hoa…?!

 

 

DƯỚI CHÂN ĐỒI C4

(Huy Trụ)

(Tặng những chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ cầu Hàm Rồng)

 

Chẳng cần ghế thấp ghế cao

Xấp bằng xuống cỏ thôi, nào, anh em!

Đồi C4 cỏ im lìm

Ngày xưa cỏ chết trong bom như người

Ta từng có lúc ước vui

Một lần trên cỏ được ngồi cùng say…

Sao giờ không khói bom cay

Nâng li rượu, lại run tay, ngập ngừng

Nhìn từng khuôn mặt rưng rưng

Tóc râu có đứa như rừng bông lau

Hàm Rồng, con nước cạn, sâu

Một ngày mấy lượt qua cầu xe hoa?

Thôi thì ta lại với ta

Những thằng lính rót rượu ra giữa trời

Rót cho tràn đất chưa thôi

Rượu tràn đất, để ta mời… "bạn ta"

Những thằng như khói như hoa.

 

(Vườn Thanh, NXB Văn hóa, 1996) 
 

 

ĐÊM CHUẨN BỊ

(Hữu Thỉnh)

Ngày mai chúng ta đòi lại phù sa

ngày mai chúng ta về cười rung bè rau muống…

đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng

trằn trên tay lại dựa vào vai?

 

Sau một chặng đường dài

đêm nay chúng ta ngồi trong hầm chật hẹp

súng với người ủ trong lòng đất

trận đánh ngày mai thức dậy với mầm cây.

 

Qua một chặng đường dài

chính khẩu súng đã làm ta tươi tốt

hạt gạo vẫn thường ăn mà người trồng không biết mặt

sao ta nhớ những ai đang ở đâu!

 

Ta nhìn lên trời, trời dậy ta khát khao

ta đi trong rừng, rừng nuôi ta dài rộng

mẹ dõi theo ta thức khuya dậy sớm

nắm cơm chiến hào xúc động quá, sao mai!

 

Xúc động quá, quê ơi!

nỗi căm giận không cứ chờ phải máu

mẹ ta ốm, húp bát canh rau dệu

chị ta hay ngồi khóc dưới bếp một mình

em ta ngủ hầm, sinh thấp khớp

ta nghe người ta nói đết bút, tưởng bút để mà ăn

chợp mắt mơ thấy người cho khoai, cho sắn.

Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng

trằn trên tay lại dựa vào vai?

 

Mưa choang choang như đá đập trên đầu

đất đẫm ướt gian nan không định trước

rừng cảm thấy điều gì không nói ra không được

ta nóng lòng ôm súng ngóng ngày lên.

 

Mưa bão liên miên, giặc giã cũng liên miên

ta nhạy cảm với trái tim chiến sĩ

cuộc chiến đấu nên thơ mà cũng khe khắt thế

để sống một nghìn năm, ta gắng vượt một ngày

 

Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng

trằn trên tay lại dựa vào vai?

 

Ta đi trong rừng suốt một thời trai trẻ

đánh giặc là ước mơ vạm vỡ như rừng

quen nhớ nhà, quen nhạt muối

khúc dân ca hát đi hát lại

qua nhịp cầu, chân ta bước so le

măng lên sáng dọc đường đi

ôm bó chông dài săn thú dữ

đêm ngủ hầm, thèm sách vở

nghe tiếng chim hồi hộp chân trời

sao ta nhớ mùa, nhớ mùa quá, mùa ơi!

qua nương rẫy, ngẩn ngơ từng gốc rạ

sao ta yêu ta quá!

núi ngất quanh ta, đội ngũ đã xong rồi

 

Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng

trằn trên tay lại dựa vào vai?

 

Sau một chặng đường dài

đêm nay chúng ta ngồi trong hầm chật hẹp

ngày mai chúng ta về

chúng ta về

cho con trai cày vỡ những bình minh

con gái đứng bên thềm hong tóc

cho chị lấy chồng xa về giỗ tết

cho mẹ già nhận mặt đứa con dâu.

 

Ngày mai chúng ta về gọi những cánh đồng bằng cái tên rất cổ

đất giấu những lá cờ như cây khô giấu lá

chúng ta về làm cơn mưa tự do...

Chiến khu Cù Đinh, 1974 

(Tinh hoa Thơ Việt, NXB Hội Nhà văn, 2007)
 

 

THƯ GỬI MẸ

(Trần Đăng Khoa)

Mẹ ơi, có thể trong cuộc chiến đấu này

Con sẽ ngã xuống

Ngã xuống bình thường

Như bao đồng đội của con

Để mái nhà gianh mẹ được yên ả

Dưới sắc nắng vàng...

 

Và, có thể là, sáng mai bừng mắt ra

Mẹ sẽ nhận về một tờ giấy

Như nhiều bà mẹ ở làng

Tờ giấy mỏng manh

Nhưng lại nặng hơn ngàn tấn bom

Trút xuống tuổi già của mẹ

Cho dù thế, mẹ cũng đừng khóc nhé

Con không chết đâu

 

Xin mẹ cứ đọc Kiều

Cho căn nhà trở lại yên tĩnh

Dưới bóng cây bảng lảng hoàng hôn

Xin mẹ cứ ngồi tựa cửa chờ con

Như những ngày xưa

Mỗi chiều đi học về

Và mẹ lại lắng nghe

Tiếng bước chân bầy trẻ nhỏ

Chúng ôm sách, bá vai nhau, rúc rích cười

đi ngang qua cửa sổ

Đi ngang qua chiều

Yên tĩnh

 

Và đêm xuống

Đầy nhà

Đầy vườn

Đầy cả bầu trời...

Đêm ấm áp và mượt như lụa

Xin mẹ đừng khép cửa

Để gió vào

Gió hát trong căn nhà của mẹ

Những khao khát của trời mây

Và mẹ sẽ thiếp đi lúc nào không hay

Đến nỗi mẹ chẳng biết được

Thằng con trai mẹ về

Trong làn gió mát

Làn gió đã đi khắp trái đất

Hát ru những bà mẹ không con...

Biên giới Tây Nam, 28-8-1979

 

(Tinh hoa Thơ Việt, NXB Hội Nhà văn, 2007)
 

 

CỰC NAM

(Trần Vũ Mai)

Ơi, cái gió Tuy Hòa

Cái gió chuyên cần và phóng túng

- Trần Mai Ninh

Cực Nam

gió chướng ngang trời

gió từ La Hai ngược lên Đắc Lắc

đường xuyên sơn hẳm dốc

gió quần vang trảng trăng thu

một lối rẽ bất ngờ

bạn đi Phan Thiết

vô chiến khu Lê Hồng Phong ác liệt

hầm sâu dấu nước mùa khô

muối vượt lên đỉnh thẳm

nước mát qua năm tháng đến bây giờ

Sông cuồng giận chân bờ bến lở

còn đây lời nhắc nhở

ba mươi năm nếm mật nằm gai

Đa Ngư ngẩng nhìn bia đá

Ta đau trong dạ

thằng ác ôn dẫn giặc về làng

tàn tranh phơi cát trắng

máu người đổ rừng dương Bãi Đẳng

cha ta

hai mươi năm giữ làng đi về một lối

em gái ta

thân quấn cờ đấu tranh chói lọi

tuổi trẻ ta

đánh giặc

tuổi trẻ ta

Đọc thơ "Nhớ máu" Trần Mai Ninh (*)

 

Khúc hùng tráng rừng vang

bước khởi sự lên đường Nam tiến

gương mặt trẻ hôm nay của đoàn quân giải phóng

chúng bay kinh hoảng ư

trước màu áo một buổi mai mọc dậy

tự những căn hầm nuôi gió chướng Cực Nam

 

Ôi, màu áo như đồng bằng

lòng ta thương nhớ quá

em gái dẻo vai gánh nước qua cầu

gió bay

lũ giặc đến, giếng làng vẩn đục

 

Lũ giặc kinh hoàng em có biết?

 

Đất nước thương Cực Nam bị tàn sát

giữ lòng trong veo

Đất nước thương Cực Nam mẹ nghèo

dặn con ra trận

những đứa con bình thường nhanh nhẹn

đi vào kháng chiến hăng say.

 

Đất nước căm hờn bao nỗi cắt chia

không quên được nỗi đau mất đất

của cải cha ông lũ giặc bán đi rồi ăn hết

chất màu chất sống nuôi người

đến bao giờ phai lạt

dấu vết nhục nhằn này

bàn tay chúng bay ôm giày đinh lính Mỹ.

 

Cực Nam,

Cực Nam

ta say đắm tự bao giờ không biết nữa

bầu trời trong veo

biển thẳm trong veo

từng giây phút hiện lên, hình ảnh

năm khó khăn lòng không bụi mờ

ruột nghé vài lon hột mít

 

Hôm nay

chính ủy trao cờ

nếu mắt anh rơi lệ

là nói rõ niềm vui chiến sĩ

cho sức mạnh này vào trận đánh gấp trăm lên.

 

Ôi, những bàn chân nắng đốt cát hầm

lời thề thấm vào vách sông mạch đá

những thành phố ta yêu như thành nha trang

nặng chắc đứng lên

những bàn chân nặng chắc

sức mạnh nhân dân nổi dậy kết liền

 

Trên sỏi đá xác bầy gian máu sẫm.

 

Cực Nam,

Cực Nam

Những trận đánh nối dài khởi nghĩa

giải phóng những xóm làng cửa mở

những trận đánh báo tin lên với sông Hồng

nói về cánh tay mạnh mẽ vươn tới Hàm Luông

nói về mùa xuân

đến từ tay người chiến sĩ

bông hồng nở trên bờ Cam Ranh.

Tuy Hòa, tháng 4-1972 

------------------

(*) Nhớ máu: Một bài thơ nổi tiếng của Trần Mai Ninh, nhà thơ và chiến sĩ Cách mạng quen biết ở Cực Nam, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

(Vườn Thanh, NXB Văn hóa, 1996)